banner

          LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ MÁY Z756/BCCB

******

           Nhà máy Z756 thuộc Binh chủng Công binh là nhà máy cấp chiến dịch, có nhiệm vụ sửa chữa .....Nhà máy ra đời, trưởng thành và phát triển gắn liền với giai đoạn sau giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Trải qua hơn 42 năm tiếp quản, củng cố, ổn định, xây dựng và trưởng thành lớp lớp CBCNV nhà máy đã và đang hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà BTL giao cho đồng thời chủ động, sáng tạo hoà mình vào nhịp độ chung của nền kinh tế đất nước, trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững là ngọn cờ đầu trong phát triển kinh tế phía nam của Binh chủng công binh giai đoạn hiện nay.

          Tiền thân của Nhà máy là căn cứ yểm trợ 40 của chính quyền Sài Gòn cũ nằm trên địa bàn phường 12, quận 10, Tp HCM (Trước kia là số 6 đường Trần Quốc Toản). Trước 1945 đây là nơi huấn luyện và nuôi ngựa kéo pháo của thực dân Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nơi đóng quân của chúng. Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng, miền Nam nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Chúng tiếp tục sử dụng nơi đây làm căn cứ yểm trợ công binh phục vụ chiến tranh.  

          Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh cử một đoàn cán bộ lên đường vào miền nam để tiếp quản các cơ sở công binh của ngụy quân trong đó có căn cứ yểm trợ 40 tại Sài Gòn. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Công binh họp, thành lập chi bộ xưởng tiền phương, đề ra phương hướng nhiệm vụ tiếp quản cơ sở công binh của ngụy quyền Sài Gòn. Sau khi thảo luận, chi bộ đã nhất trí cao với mục đích là: "Thu hồi nhanh, gọn, đồng bộ, bảo đảm an toàn"; khẩu hiệu hành động là: "Tác chiến, chiếm lĩnh, tiếp quản và làm chủ". 8 giờ sáng  ngày 24 tháng 4 năm 1975 đoàn công tác xuất phát từ Cống Vị - Hà Nội. Sau một chặng đường dài hành quân dọc chiều dài đất nước, tối ngày 3 tháng 5 năm 1975, đoàn công tác đã vào đến Lộc Ninh, sáng ngày 13 tháng 5 năm 1975, đoàn hành quân về đóng quân tại trại Thăng Long (cạnh căn cứ Liên đoàn 5 ngụy quân ở Hóc Môn). Ngày 10 tháng 6 năm 1975, căn cứ yểm trợ 40 chính thức được bàn giao cho ngành công binh. Tham gia bàn giao có đại diện của Sư đoàn 9-Quân đoàn 4 (bên giao); đại diện Bộ Tư lệnh Công binh (bên nhận) và Chỉ huy trưởng căn cứ 40 cũ. Ngày 21/7/1975, Nhà máy bắt đầu làm việc trở lại và hoạt động cho đến ngày nay.

          Tháng 11/1975, do yêu cầu của công tác quản lý, Nhà máy chính thức được chuyển giao cho Tổng cục Kỹ thuật trực tiếp quản lý. Nhiệm vụ của Nhà máy giai đoạn này là sửa chữa xe máy Công binh, máy phát điện, hệ thống máy lạnh, tủ lạnh, sản xuất khí tài, thu hồi xe máy công binh hệ II rải rác từ vĩ tuyến 17 trở vào cùng các loại xe hư hỏng ngoài biên chế không sử dụng tập trung về Nhà máy…Giai đoạn 1975-1979 đất nước ta vừa phải củng cố sau chiến tranh vừa đánh giặc ở biên giới phía bắc, giúp bạn ở biên giới tây nam. Nhà máy vừa làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vừa sản xuất các mặt hàng phục vụ chiến đấu cho chiến trường, làm nhiệm vụ quốc tế. Ngay trong những ngày đầu đất nước Campuchia được giải phóng, Nhà máy đã được cấp trên giao nhiệm vụ sang giúp Bạn tiếp quản, khai thác các cơ sở công nghiệp then chốt, tiếp quản, sửa chữa các cơ sở cơ khí, lắp đặt máy phát điện theo yêu cầu, sửa chữa xe máy công trình, sửa chữa xe ô tô, xe du lịch, xe xứu hỏa, phục hồi cơ sở điện lực, sửa chữa đường nước, đường điện tại Thủ đô Pnômpênh và một số vùng lân cận. Các chuyến công tác tại Campuchia, cán bộ, công nhân Nhà máy đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều tập thể và cá nhân của các đoàn công tác được Nhà nước Campuchia, Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng nhiều Huân chương, bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác.

            Giai đoạn 1980-1987, Cơ cấu tổ chức của Nhà máy gồm 8 phòng ban với lực lượng lao động có hơn 1.200 người. Nhà máy cũng gặp rất nhiều khó khăn do nền kinh tế nước ta suy thoái, giá cả tăng vọt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, công nhân viên, nhưng với truyền thống đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Nhà máy vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, tuy có khó khăn nhưng đời sống người lao động vẫn được cải thiện.

           Tháng 6 năm 1987, Nhà máy được điều chuyển từ Tổng cục Kỹ thuật về Bộ Tư lệnh Công binh để phù hợp với công tác quản lý, tổ chức sửa chữa chuyên ngành công binh. Biên chế lực lượng ban giám đốc gồm 3 đồng chí, có 6 phòng ban, 3 phân xưởng xí nghiệp. Ngoài việc sửa chữa xe máy công binh tại đơn vị, nhà máy tổ chức nhiều đoàn công tác sửa chữa lưu động tại các tỉnh phía nam, biên giới phía bắc và cả chiến trường campuchia. Giai đoạn 1988-2005 Nhà máy tham gia nghiên cứu chế tạo các thiết bị chế biến nông sản, cải tạo nhà xưởng, sản xuất và lắp đặt các dây chuyền xay, xát lúa đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý; đầu tư công nghệ vào dây chuyền sửa chữa máy phát điện đặc biệt là loại máy có công suất lớn từ 500kw, 1.600kw đến 2.100kw đáp ứng yêu cầu các tỉnh miền trung, tây nguyên, miền đông nam bộ; tham gia nhiều công trình xây dựng từ thuỷ điện yaly-tây nguyên đến các công trình dân dụng, cầu đường tại vũng tàu, phú quý, côn đảo, thổ chu, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Phú Quốc … Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, Nhà máy còn được cấp trên giao sản xuất và lắp rắp 5 nhà DK tại vùng biển Vũng Tàu. Trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp, xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cấp trên tin tưởng, Đảng uỷ, Ban giám đốc đã tích cực, chủ động, nghiên cứu, tìm biện pháp tháo gỡ  khó khăn, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ  đến từng cán bộ, công nhân viên. Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhà máy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng tốt, được cấp trên khen ngợi.

            Song song với việc tăng năng lực sản xuất, mở rộng ngành nghề, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy quan tâm nhiều đến công tác tổ chức điều hành sản xuất sao cho có hiệu quả cao nhất. Mặc dù liên tục từ năm 1989, do yêu cầu tinh giảm biên chế, nhà máy từ chỗ có trên 1.000 cán bộ, công nhân viên, nay còn lại chỉ hơn 200 người.

            Thể theo nguyện vọng của CB,CNV Nhà máy Z756, ngày 03 tháng 06 năm 1995 đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Yên, Tư lệnh Binh chủng Công binh đã ký Quyết định số 668/QĐ, xác định ngày 10 tháng 06 năm 1975 là ngày thành lập Nhà máy Z756. Từ đó ngày 10 tháng 06 hàng năm là ngày truyền thống của Nhà máy Z756.

             Trong giai đoạn 2005-2016 để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm Nhà máy tiếp tục đầu tư mua sắm các thiết bị mới như: Băng thử động cơ, băng thử hộp số, máy hàn Mic, Tíc; máy tiện, phay CNC, máy hàn Ga lê, nhiều máy phay, tiện, máy gia cắt gọt chuyên dùng, các loại máy phục vụ gia công kết cấu thép; lò đúc trung tần, các máy dập, máy búa, máy tiện gỗ, lò sấy gỗ, bể ngâm tẩm chống mối mọt. Nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này là làm đường tuần tra Biên giới Bình Phước trong điều kiện thi công khó khăn, phức tạp, xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhưng Nhà máy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho.

           Theo Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng giai đoạn 2008 - 2010, Công ty 756 được chuyển đổi doanh nghiệp thành Công ty TNHH Một thành viên theo Quyết định số 2948/QĐ-BQP ngày 12/8/2010 của Bộ Quốc phòng với tên gọi là "Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 756" gọi tắt là "Công ty 756", phiên hiệu quân sự "Nhà máy Z756", tên giao dịch quốc tế là 756 One member Limited liability Company (756. Co., Ltd.), được Nhà nước đầu tư 100% vốn, do BTL Công binh trực tiếp quản lý. Công ty được Bộ Quốc phòng công nhận là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo Quyết định số 2763/QĐ-QP ngày 03/8/2012;

             Giai đoạn 2010-2016 Nhà máy tiếp tục đầu tư hiện đại hóa sản xuất; trang thiết bị tại nhà máy mới là 1 trong những Nhà máy hiện đại và quy mô nhất tại khu vực phía nam, diện tích tại Nhà máy mới rộng khoảng 23ha với biên chế hơn gồm 8 phòng ban, 4 phân xưởng, xí nghiệp. Triển khai sản xuất có hiệu quả các mặt hàng gia công kết cấu thép, chế tạo cơ khí, xây dựng cầu đường. Các sản phẩm của Nhà máy thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ,  thu nhập của người lao động từ 4,5 triệu đồng/người/tháng năm 2010 đến nay lên 7,3 triệu đồng/người/tháng.

              Công ty 756 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công hạng nhất, 01 Huân chương Chiến công hạng ba; 01 Huân chương Lao động hạng nhất và 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

               Trong những năm tới, tình hình khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn; tình hình chính trị, xã hội đất nước cơ bản ổn định, kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển. Nhiệm vụ của Quân đội và Binh chủng ngày càng nặng nề, phức tạp và yêu cầu chiến đấu ngày càng cao hơn. Nhà máy vừa tiến hành sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ di chuyển và tái cơ cấu trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhất là bảo đảm việc làm và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhà máy ở vị trí mới cũng như sự canh tranh quyết liệt của cơ chế thị trường và sự thiếu hụt của đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Hiện tại, Nhà máy đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm, đời sống CBCNV từng bước được nâng lên, các chế độ chính sách đảm bảo; nhiều hoạt động phong trào VHVN, TDTT, tương thân tương ái diễn ra sôi nổi góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị.